Ý nghĩa của hoa sen trong Phật Giáo là gì?

Ý nghĩa của hoa sen trong Phật Giáo là gì? Hoa sen (tiếng Phạn là Padma) được trồng nhiều ở các nước phương Đông. Tại Việt Nam, hình ảnh hoa sen cũng gắn liền với các sự kiện văn hóa, đời sống, tâm linh. Đầu tiên, ai cũng biết ý nghĩa hoa sen là loài hoa thuần khiết, trong sạch, không bị ô uế, đúng như câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó chính là lý do loài hoa này thường được các Phật tử dâng lên cúng dường Chư Phật.


Theo truyền thuyết, khi Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, Ngài đi 7 bước và xuất hiện 7 bông hoa sen nâng đỡ chân của Ngài. Ngoài ra chúng ta cũng thường thấy hình tượng, tranh vẽ Chư Phật, Bồ Tát ngồi thiền trên đài sen.

Hơn 5.000 năm trước, người dân Ai Cập đã bắt đầu sử dụng hoa sen để cúng bái trong các nghi lễ của mình để bày tỏ sự tôn kính. Tại Ấn Độ – cái nôi của Phật Giáo, hình ảnh hoa sen chính là hình ảnh biểu tượng của sức mạnh tinh thần, giá trị, đạo đức, nhân phẩm của con người.

Tương tự tại Việt Nam từ thời xa xưa. Sự vươn lên mạnh mẽ để đón lấy những tia sáng Mặt trời của hoa sen đã được ví như cái tâm tịnh, tu hành đạt được chánh quả sau khi tu tập và thanh tịnh hóa. Do đó, hoa sen thường hay xuất hiện trong các đền, chùa, tịnh xá, gắn liền với hình ảnh Bồ Tát và Đức Phật.


Trong đạo Phật, ý nghĩa hoa sen trong Phật Giáo chính gắn liền với 8 đặc tính của người tu hành, đó là:

Trừng thanh: nghĩa là trong suốt. Sen mọc ở bất kỳ đâu, kể cả là trong bùn đi chăng nữa thì chỗ nước ấy vẫn trong suốt. Do đó, ý nghĩa của hoa sen chính là nơi đâu có Phật, nơi đó sẽ trong sạch, thanh tịnh, hạnh phúc, bình yên.

Không nhiễm: nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, bởi dù sinh sống trong bùn lầy, nhưng hoa sen vẫn giữ được hương thơm, cánh hoa vẫn có những màu sắc rực rỡ. Ý nghĩa hoa sen trong Phật Giáo chính là chư Phật tồn tại giữa đời sống trần tục nhưng không bao giờ bị nhiễm thói hư tật xấu, dục vọng của chúng sinh.

Kiên nhẫn: là đức tính cần có của tất cả Phật tử. Hoa sen sinh ra từ trong đầm lầy, vượt qua bao nhiêu lớp bùn để đón được ánh sáng rực rỡ.

Thanh lương: chính là tinh thần vượt khó của nhà Phật. Nếu như các loài hoa khác thích sinh trưởng vào mùa xuân ấm áp mà lại nảy nở vào mùa hè nóng bức, khắc nghiệt. Dù gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng hoa sen vẫn sinh trưởng để dâng cho đời những bông hoa đẹp và sặc sỡ nhất.

Viên dung: nghĩa là vô tư vì đại cuộc. Người học Phật không được vì tư lợi trước mắt mà bỏ qua lợi ích của chúng sinh. Từ lúc nở cho đến lúc tàn, hoa sen vẫn luôn tỏa ngát hương thơm.

Ngẫu không: nghĩa là không để bụng, không chấp nhặt chuyện đời thường hay nói chính xác hơn chính là đức tính “hỷ, xả” trong đạo Phật. Thân sen nhìn cứng cáp nhưng bên trong lại rỗng. Giống như Đức Phật buông bỏ hết mọi thứ, không chấp trước, không sầu bi.

Hành trực: từ này chỉ sự ngay thẳng, bởi hoa sen dù gặp khó khăn ra sao thì thân sen vẫn vươn mình thẳng tắp.

Bồng thực: đây là đặc điểm mà chỉ duy nhất hoa sen có. Đó là hoa và quả cùng xuất hiện, giống như luật nhân quả trong Phật Đạo, gieo nhân nào gặt quả ấy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Địa Tạng Vương Bồ Tát và Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Trọn Bộ

Phật Mẫu Chuẩn Đề Bồ Tát là ai và Thần chú của Ngài là gì?

Cõi Tây Phương Cực Lạc là gì và liệu có thật hay không?