Thiền sư Nhất Hạnh là ai trong Phật Giáo Trung Quốc?

Thiền sư Nhất Hạnh là ai trong Phật Giáo Trung Quốc? Thiền sư Nhất Hạnh là một nhà sư của Trung Quốc, ông sinh năm 683 và mất năm 727. Không chỉ được biết đến với vai trò là một Thiền Sư nổi tiếng của Mật Tông, ông còn là nhà thiên văn học nổi tiếng thời bấy giờ.


Tục danh của ông là Trương Toại vốn là người Xương Lạc, Ngụy Châu (ngày nay là huyện Nam Lạc, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

Trong “Tống Cao Tăng Truyện” ghi rõ ông là cháu của Trương Công Cẩn – một vị công thần khai quốc thời sơ Đường, vốn là một gia tộc hiển hách. Ngay từ nhỏ, ông đã có tố chất thông minh, lanh lợi cộng thêm trí nhớ siêu phàm, đọc qua một lần là có thể ghi nhớ. Thông minh là thế, nhưng ông lại không màng con đường khoa cử, mà lại chỉ thích nghiên cứu khoa học. Khi mới 20 tuổi ông đã thông hiểu các điển tích nho giáo, lịch sử, thiên văn, âm dương ngũ hành và đạo gia.


Một lần, ông mượn được quyển Thái Huyền Kinh được trước tác bởi học giả Dương Hùng từ chỗ đạo sĩ Doãn Sùng – một vị tiền bối được người đời bấy giờ rất kính nể. Chỉ sau vài ngày, ông đã mang sách đến trả. Lúc này Doãn Hùng vô cùng ngạc nhiên, vì vốn dĩ quyển sách này có nội dung sâu xa, khó hiểu, đến ông ấy còn đọc nhiều lần vẫn chưa hiểu hết huyền cơ. Để chứng minh mình đã hiểu, Trương Toại bèn đưa cho ông ấy xem 2 tập “Đại Diễn Huyền Đồ” và “Nghĩa Quyết” mà bản thân đã viết để giải thích cho “Thái Huyền Kinh”. Doãn Sùng nghe vậy, bèn đàm đạo và hết lời khen ngợi, gọi ông là Nhan Hồi tái thế. Nhan Hồi là một trong những đệ tử giỏi của Khổng Tử.

Từ đó, tên tuổi của Trương Toại được biết đến nhiều hơn, vang xa khắp nơi. Thời đó, có một vị tể tướng tên là Võ Tam Tư, hắn ta là người chuyên quyền, muốn lôi kéo các danh sĩ trong thiên hạ nên muốn kết giao với Trương Toại. Tuy nhiên bản tính ông không thích quyền quý và coi thường tính cách của Võ Tam Tư, cho nên đã thẳng thắn từ chối. Để tránh rắc rối, ông đã xin xuất gia khi hơn 20 tuổi, nhận thiền sư Phổ Tịch làm thầy. Từ đó, ông có pháp danh là Nhất Hạnh.

Sau khi xuất gia, Nhất Hạnh cần mẫn tu học Phật pháp, nhưng cũng học thêm nhiều kiến thức về thiên văn và lịch pháp. Được thiền sư Phổ Tịch hết lời khen ngợi về tài trí và sự chăm chỉ của ông, cho phép ông đi nhiều nơi học hỏi. Trong “Tống Cao Tăng Truyện” cũng ghi rõ, ông từng đến chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, Chiết Giang cách xa ngàn dặm chỉ để theo một ẩn sĩ học về số học. Được vị cư sĩ ấy chân truyền, tiếng tăm của ông ngày một lan rộng.

Khi nhà Võ bị lật đổ, Đường Duệ Tông lên ngôi, từng sai Vi An Thạch – quan lưu thủ Đông Đô (nơi ngôi chùa ông đang tu học) chiêu mộ ông. Thiền Sư Nhất Hạnh vẫn không muốn dính đến chính trường, nên bèn lấy cớ bị bệnh để từ chối. Sau đó, ông cũng đi khỏi Tung Sơn, một mạch đi bộ đến núi Đan Dương ở Hồ Bắc để theo học giới luật với Sa Môn Ngộ Chân.


Năm 717, Đường Huyền Tông cũng vì mến mộ tài năng của ông, nên phái chú họ của Nhất Hạnh là Trương Hợp – hiện đang là Lang Trung Lễ Bộ đến Đan Dương, Hồ Bắc để thỉnh Nhất Hạnh về kinh. Không thể cự tuyệt được người chú này, nên ông về kinh. Mục đích của vua Đường lúc bấy giờ là muốn sư giúp chỉnh lại lịch pháp. Vua ban cho ông ở tại Điện Quang Đại trong cung vua, để thỉnh thoảng sang hỏi han chuyện trị nước. Chính vì những hiểu biết của mình, cùng sự thẳng thắn can gián nhà vua, ông được rất nhiều người khâm phục.

Theo “Đường Thư”, năm 721 Thiền sư Nhất Hạnh bắt đầu khởi thảo Đại Diễn lịch, nhưng mãi đến 6-7 năm (tức năm 727) mới hoàn thành. Khoảng thời gian này ông quên ăn quên ngủ, miệt mài ngày đêm, lao tâm khổ trí, nên qua đời sớm do quá sức. Đường Huyền Tông để tưởng nhớ nên đích thân viết văn bia cho ông, còn xuất ngân khố 50 vạn để làm tượng đồng đặt trước mộ và ban danh diệu Đại Tuệ Thiền Sư.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Địa Tạng Vương Bồ Tát và Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Trọn Bộ

Phật Mẫu Chuẩn Đề Bồ Tát là ai và Thần chú của Ngài là gì?

Cõi Tây Phương Cực Lạc là gì và liệu có thật hay không?