Đại sư Đàm Vô Sấm là ai trong Phật Giáo Hán Truyền?

Đại sư Đàm Vô Sấm là ai trong Phật Giáo Hán Truyền? Đại Sư Đàm Vô Sấm (385 – 433 CN) dịch nghĩa là Pháp Phong. Ông còn có nhiều tên gọi khác như là Đàm Ma La Thức hay Đàm Ma Sám, Đàm Mô Sấm, Đàm La Vô Sấm. Ông là một vị cao tăng, tham gia dịch thuật nhiều kinh điển Phật Giáo Đại Thừa. Ngài vốn xuất thân từ dòng Bà-la-môn.

Ông mồ côi cha từ năm 6 tuổi, theo mẹ đi dệt vải các nơi để sinh sống, gặp được ngài Ðạt Ma Da Xá – một vị cao tăng được kính trọng lúc bấy giờ. Mẹ Ngài vô cùng tôn trọng vị cao tăng này nên cho Vô Sấm đi theo làm đệ tử.


Kể từ khi Ngài 10 tuổi đã cùng bạn đồng học của mình tụng kinh chú rất là thông minh kiệt xuất. Ban đầu, Ngài học giáo pháp Tiểu Thừa, giỏi cả ngũ minh, giảng thuyết, ứng đối vô cùng lưu loát và khéo léo. Về sau ngài gặp được thiền sư Bạch Đầu, cùng Ngài ấy trao đổi học thuật, tuy lý luận của Đàm Vô Sấm rất chặt chẽ nhưng thiền sư Bạch Hầu vẫn điềm tĩnh đối đáp khiến Đàm Vô Sấm rất nể phục. Sau đó Vô Sấm hỏi thiền sư và được trao tặng cho kinh Đại Bát Niết Bàn chép trên vỏ cây. Ngài nhận được kinh tự thấy hổ thẹn, vì bản thân mê mờ, không biết pháp Đại Thừa nên chuyển hướng chuyên học giáo pháp Đại Thừa.

Khi vừa 20 tuổi Ngài đã tụng đến hơn 200 vạn câu kinh có cả pháp Tiểu Thừa và Đại Thừa, giỏi cả chú thuật, rất được vua và mọi người kính trọng, gọi là “Đại Chú Sư”. Sau này, Ngài mang 5 phẩm đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Bồ Tát Giới và Bồ Tát Giới Bản sang nước Kế Tân, rồi sang Quy Tư. Tuy nhiên ở đây đa số đệ tử học theo Tiểu Thừa, nên Ngài lại tiến về hướng Đông, xuyên qua nước Thiện Thiện và vào Đôn Hoàng. Năm 412, Hà Tây vương Mông Tốn là vua cùng vùng Ðôn Hoàng, nghe biết danh ngài Vô Sấm bèn mời đến tham kiến, tiếp đãi nồng hậu và thỉnh nhờ Ngài dịch kinh. Đáng tiếc ông chưa thông thạo Hán Ngữ nên chưa thể dịch được.


Sau đó Đại sư Đàm Vô Sấm quyết định ở lại đây 3 năm học tiếng Hán rồi bắt đầu phiên dịch phần đầu của kinh Đại Bát Niết Bàn. Vì bản kinh này chưa đầy đủ, nên Ngài sang nước Vu Điền để tìm phần còn thiếu của kinh này. Sau khi thu thập được gần như trọn bộ chỉ thiếu phẩm cuối cùng, Ngài quay trở về lại Cô Tàng và dịch tiếp, tất cả được 36 phẩm. Trong thời gian này, vì có nhiều chư tăng thỉnh cầu, nên ngài đã dịch thêm nhiều kinh luật khác như Bi Hoa Kinh, Kim Quang Minh Kinh, Phương Đẳng Đại Tập Kinh, Bồ Tát Địa Trì Kinh và Bồ Tát Giới Bản.

Bấy giờ, vua Thái Vũ Đế, nghe tiếng ngài giỏi về chú thuật, nên cho sứ giả đến thỉnh Ngài. Vua Mông Tốn quý trọng Ngài nên tìm cách giữ Đại sư lại. Nhưng sau này, Ngài cũng muốn sang tây Vực lấy nốt phẩm kinh còn lại, Mông Tốn thấy Ngài muốn bỏ đi, giận Ngài cũng sợ Ngài sẽ vì vua Thái Vũ Đế mà dùng bùa chú hại mình, bèn nhân lúc ngài đi Tây Vực cho thích khách ám hại ngài ở giữa đường. Ngài chỉ hưởng thọ được 49 tuổi. Lúc Ngài mất ai cũng thương xót. Sau này, truyền thuyết kể lại, các quan triều đỉnh thấy giữa ban ngày lại xuất hiện quỷ mang gươm đến đâm Mông Tốn, sau đó không lâu ông ta cũng bị bệnh chết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Địa Tạng Vương Bồ Tát và Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Trọn Bộ

Phật Mẫu Chuẩn Đề Bồ Tát là ai và Thần chú của Ngài là gì?

Cõi Tây Phương Cực Lạc là gì và liệu có thật hay không?